16 Bí Kíp Để Tăng Sự Tự Tin Khi Là Một Sinh Viên
Trở thành sinh viên Đại học, sẽ có rất nhiều lúc bạn cảm thấy tự ti về bản thân. Khi tham dự các bài giảng với hàng trăm học sinh đang ngồi cùng với bạn, bạn cảm thấy mình chẳng khác gì một con giun nhỏ bé. Trong những lớp học ít học sinh hơn, bạn cũng chẳng thêm được chút tự tin nào, vì dường như những người ngồi ở bàn đầu câu trả lời nào các bạn ấy cũng biết. Nhưng có một điều tốt là, tự tin cũng là một kĩ năng mà bạn có thể học, như bất kì kĩ năng mềm nào khác, và bạn có thể dần dần cải thiện qua thời gian, nhất là khi bạn tham khảo 16 bí kíp sau
1. Đừng nói những lời tự hạ thấp chính mình
Bên trong mỗi con người luôn có một giọng nói thì thầm, mà thỉnh thoảng bạn sẽ nghe thấy nó nói những câu như “Đại học không phải là chỗ dành cho mày”, “Mọi người ở đây ai cũng giỏi giang tuyệt vời hơn mày”, “Mày sẽ không thể qua được kì thi giữa kì đâu”. Nhưng đừng nghe nó. Hãy nhắc lại cho bản thân nhớ về những thành tích bạn đã phấn đấu đạt được, những nỗ lực bạn đã bỏ ra để vào được trường đại học của mình. Rõ ràng nếu bạn không xứng đáng ở đây, thì chẳng đời nào ngôi trường này lại nhận bạn vào.
2. Đừng quên là bạn không một mình
Ai cũng nghĩ chỉ có họ là cảm thấy tự ti về bản thân, nhưng một nghiên cứu gần đây đã cho thấy gần 1/3 sinh viên Đại học cảm thấy bản thân còn thiếu sót rất nhiều sau khi trải qua học kì đầu tiên. Từ trải nghiệm của bản thân, chúng tôi có thể đảm bảo chắc chắn với bạn rằng sinh viên nào cũng có lúc cảm thấy nghi ngờ khả năng của mình. Nếu bạn cũng thấy như vậy, hãy tự nhủ rằng mình luôn có những người bạn đồng hành: hầu hết những người bạn của bạn đều đang hoặc đã từng trải qua những gì bạn đang cảm thấy lúc này.
3. Hãy lựa chọn môn học mình giỏi
Mỗi học kì, ngoài những môn học bắt buộc, bạn hãy chọn học một môn mà bạn yêu thích – và có thể tự tin rằng mình sẽ có kết quả tốt. Nếu bạn cứ liên tục phải vật lộn với các môn học quá khó, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, và dần dần cũng mất đi rất nhiều tự tin.
4. Hãy bắt đầu từ từ
Hãy làm một vài việc đơn giản thôi để dần dần vượt qua được nỗi sợ của mình. Có thể bạn chỉ cần lên tiếng hỏi (hoặc trả lời) một câu hỏi trong phần thảo luận của bài học. Có thể bạn chỉ cần đi gặp giáo viên và nêu thắc mắc của mình vào trước hoặc sau giờ học. Một khi đã giải tỏa được sự căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn về mình, dù chỉ là thêm một chút.
5. Hãy lấy thật nhiều điểm cộng cho mình
Đây là một việc không đòi hỏi quá nhiều can đảm, mà nó còn là một việc bắt buộc phải làm trong mỗi môn học, đồng thời cũng giúp bạn gia tăng tự tin. Hãy cố gắng có một dấu cộng khuyến khích từ thầy cô trong các bài tập về nhà của mình, hoặc một điểm 10 trong phần trả lời câu hỏi hằng tuần, những điều nhỏ bé như vậy thôi nhưng cũng có thể làm bạn thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nhiều bạn rụt rè không bao giờ có thói quen này và hay nghĩ hành động giơ tay lấy điểm cộng khá kệch cỡm và chỉ dành cho những thành phần “điên cuồng điểm số”. Tuy nhiên, khi làm được 1 lần rồi bạn sẽ có can đảm và tiền lệ để giơ tay phát biểu lần sau. Bạn chả mất gì khi làm điều này cả, chỉ được thôi.
6. Hãy tự thưởng cho mình
Khi chúng ta tự công nhận mình đã làm tốt một việc gì đó, dù chỉ là việc nhỏ thôi, thì tâm trạng ai cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Hãy tự thưởng cho mình một lát pizza, hay một cốc latte, vì đã đạt điểm 10 trong phần trả lời câu hỏi tuần này. Đây sẽ là động lực để bạn có thể tiếp tục học tập cho các câu hỏi tuần sau – và việc đầu tư chỉ $3 này thôi cũng sẽ giúp bạn cảm thấy, rằng thành tích của mình, cũng là một điều đáng tự hào và đáng để chúc mừng.
7. Hãy đi học đầy đủ
Sẽ thật khó để cảm thấy tự tin nếu bạn bỏ lỡ mất nhiều phần quan trọng của môn học, những phần nếu bạn không nắm chắc thì sẽ không đạt kết quả cao. Những học sinh đi học thất thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu và theo dõi bài giảng của thầy cô. Họ sẽ gặp càng nhiều khó khăn hơn nữa nếu phải trả lời những câu hỏi có liên quan đến những phần mà hôm ấy họ nghỉ học.
8. Hãy học những lớp ít người
Có thể bạn sẽ thấy nó đáng sợ hơn vì không thể che giấu mình trong đám đông khi ở một giảng đường rộng lớn, nhưng những lớp học nhỏ sẽ là môi trường lý tưởng để bạn nhận được sự giúp đỡ, cho việc học của mình tiến bộ hơn.
9. Hãy hỏi ý kiến của thầy cô sớm
Sự tự tin của bạn sẽ gia tăng nhanh chóng nếu bạn tìm đến giáo viên hoặc trợ giảng để nhận sự tư vấn ngay từ khi bắt đầu học kì mới. Từ chuyện bạn không hiểu một phần trong bài giảng, hay bạn không biết ý tưởng cho bài luận của mình có ổn không, đến chuyện bạn lo lắng không biết phải chuẩn bị thế nào cho bài kiểm tra sắp tới hoặc những kĩ năng mềm nào bạn cần học hỏi thêm, tất cả những bất an ấy của bạn sẽ biến mất sau khi nhận được những hướng dẫn, lời khuyên tận tình từ thầy cô. Bạn sẽ biết mình nên làm gì. Rất nhiều học sinh tự ti thường cảm thấy rất sợ và ngại ngùng khi tìm đến giáo viên để hỏi han, nhưng điều này chỉ làm mọi chuyện tệ hơn thôi.
10. Hãy phân chia công việc lớn thành những phần việc nhỏ
Nếu bảo bạn phải viết một bài nghiên cứu dài 15 trang, hoặc chuẩn bị một lúc cho cả kì thi cuối kì đầy căng thẳng, chắc chắn bạn sẽ thấy mình không đủ khả năng để làm. Nhưng nếu bạn coi bài luận của mình gồm 3 phần, mỗi phần là 5 trang viết, hay coi những nội dung cần ôn cho kì thi cuối kì gồm 5 phần, mỗi phần bạn cần ôn bài học của 3 tuần. Và bạn xem, mọi chuyện trông có phải dễ dàng hơn nhiều không? Cảm giác hài lòng khi thấy mình đã làm xong một phần sẽ cho bạn thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thành các phần còn lại.
11. Hãy làm thử trước khi làm thật
Có nhiều dạng bài cho phép bạn có thể làm thử trước khi làm chính thức. Bạn có thể làm đề thi thử tại nhà trước khi thi giữa kì, hoặc có thể tập thuyết trình trước hôm làm chính thức trên lớp, hoặc có thể thảo luận câu trả lời cho các câu hỏi trong đề cương với các thành viên trong nhóm trước khi thi cuối kì. Tất cả đều sẽ giúp bạn tự tin hơn trước khi đến lúc bạn phải thực sự làm điều mà mình lo lắng. Nếu bạn bè hay giáo viên cho bạn vài lời khen ngợi trước sự cố gắng của bạn, bạn sẽ cảm thấy mình có thêm rất nhiều động lực và tin tưởng hơn vào bản thân mình.
12. Hãy đón nhận những lời nhận xét một cách vui vẻ
Nhiều học sinh xem những con điểm trên bài kiểm tra của mình như những lời phê bình nặng nề, và họ không muốn để tâm đến chúng. Bạn hãy cố gắng có một góc nhìn tích cực, rằng giáo viên đang muốn giúp bạn tiến bộ hơn trong lần sau chứ không phải đang muốn làm bạn nhụt chí. Có thể ban đầu bạn không tạo được quá nhiều ấn tượng, nhưng hãy biết dùng những nhận xét để hoàn thiện bản thân, có thêm tự tin cho mình.
13. Hãy tham gia vào một cuộc thi để nhận giải thưởng
Có nhiều cuộc thi được tổ chức dành cho các sinh viên trong khoa hoặc toàn trường. Và với rất nhiều trường hợp thì các cuộc thi này không hề đáng sợ như bạn tưởng – nên tại sao bạn không thử một lần? Giải thưởng chiến thắng được có thể chỉ là một chiếc thiệp $10 hay chỉ là được vinh danh trên bảng thông báo của khoa, nhưng nó cũng sẽ làm bạn cảm thấy tự tin hơn vào bản thân rất nhiều.
14. Hãy tìm kiếm công việc ở ngoài xã hội
Một cơ hội để làm việc tại một phòng khám trong thành phố (nếu bạn là sinh viên y khoa), hoặc tại một xưởng tư vấn công nghệ (nếu bạn có hứng thú về các hệ thống máy giảm thiểu rác thải), hoặc thậm chí là một văn phòng bảo hiểm (nếu bạn đang học marketing) có thể mang lại cho bạn rất nhiều kiến thức bổ ích. Nếu bạn thấy những gì mình đã học tại trường đại học thực sự có giá trị khi đưa vào thực tiễn, bạn cũng trở nên tự tin hơn nhiều. Và thế là, khi bạn quay trở lại trường vào mùa thu năm sau, những bài học khô khan, khó nuốt bây giờ ít nhất cũng không còn quá vô ích trong mắt bạn nữa.
15. Hãy hiểu rằng học tập là cả một quá trình lâu dài
Nếu bạn kì vọng mình có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó ngay lập tức, hay có thể viết được một tiểu luận nghiên cứu đạt đến trình độ xuất sắc ngay trong lần viết đầu tiên, thì thì bạn chỉ đang chuẩn bị để nhìn thấy mình thất vọng, và tạo ra khủng hoảng niềm tin vào khả năng của mình. Hãy kiên nhẫn và đừng quá khắt khe với bản thân, nhất là ở giai đoạn bắt đầu học hay làm một điều gì mới mẻ. Hãy nhìn lại những kĩ năng mà bạn đã thành thạo được từ trước (có thể chỉ là những điều đơn giản như trượt ván trên tuyết, chơi poker, hay là biết nấu những món chay) và nhớ lại giai đoạn ban đầu mình cũng đã vất vả nhiều như thế nào.
16. Hãy tránh xa những người luôn chỉ trích người khác
Bạn biết họ là ai: Đó là những người mà dù bạn có đạt được thành tích tốt như thế nào, họ sẽ vẫn luôn tìm ra được lỗi sai của bạn. Với một vài học sinh, người đó có thể chính là cha mẹ; với một vài học sinh khác, người đó lại có thể là giáo viên cầu toàn của họ; và với những người khác, đó lại có thể bạn cùng phòng của họ. Bạn hãy có một cách xử sự khôn ngoan với những người luôn luôn nói không như thế, đó là “không hỏi, không đáp”: Họ sẽ không hỏi bạn đã làm được những gì, và bạn cũng sẽ không cần phải nói cho họ nghe về những thành công của mình.
Theo ieltsplanet.info/Ybox
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
10Tr/Tháng Nhiều Quận, Hồ Chí MinhFull Time
-
-
-