Nhà tâm lý học tại Đại học Case Western Reserve vừa đưa ra một nghiên cứu thú vị đối với những sinh viên nộp bài sớm và những sinh viên nộp sát hạn cuối. Kết quả cho thấy các sinh viên nộp vào phút cuối của hạn chót cho thấy mức độ stress cao hơn và có nhiều vấn đề sức khỏe hơn so với nhóm sinh viên còn lại.
Nghiên cứu của Đại học Bishop’s cũng chỉ ra sự liên quan giữa các bệnh tim mạch, huyết áp đối với sự trì hoãn, Trải nghiệm trì hoãn càng nhiều, bệnh nhân phải chịu nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp cao hơn.
Trì hoãn hết sức nguy hiểm bởi nó thường bị che mờ bởi các lời biện minh. Những tiếng nói nhỏ đó là gì, giải pháp cho những tình huống đó, cùng điểm qua với G.A.P nhé!

1. “Tôi không biết bắt đầu từ đâu”
Đây là tình trạng mà bất cứ ai khi đối mặt với những vấn đề khó khăn cũng gặp phải. Thử tưởng tượng, nếu bạn chỉ ngồi đó lo lắng và hoang mang thì mớ rối như tơ vò của vấn đề vẫn chẳng thay đổi.
Giải pháp tốt nhất của câu chuyện này chính là cách mà các chuyên gia vẫn hay khuyên dùng – đánh vỡ vấn đề thành những mảnh nhỏ để xử lý. Thay vì phài bẻ gãy một bó đũa lớn thi có lẽ bẻ từng chiếc sẽ hiệu quả hơn, giúp cho công việc của bạn chuyển từ trạng thái bối rối vô hướng sang hoàn toàn trong tầm kiểm soát.

2. “Có quá nhiều sự xao nhãng”
Vấn đề lớn thứ hai mà những con sâu trì hoãn vẫn hay gặp phải là sự xao nhãng. Đối với phần lớn chúng ta, việc bắt đầu một dự án lớn luôn tồn tại nhiều thách thức. Kiểm tra mail, gọi điện thoại hay đọc tin online,.. ngoài lề dự án, tất cả những việc trên khiến bạn trông bận rộn nhưng không đồng nghĩa với làm việc năng suất. Dự án lớn vẫn còn nguyên đó và chính sự xao nhãng khiến bạn không nhận thức được hậu quả của sự trì hoãn nhiệm vụ.
Vì vậy, lời khuyên ở đây là bạn nên chậm lại, hít thật sâu và mường tượng ra mức độ nghiêm trọng của việc mình trì hoãn để tập trung trở lại công việc đang dở dang.

3. “Nó quá dễ”
Có những nhiệm vụ quá dễ đến nỗi mà trớ trêu thay, nhiều người đã khốn đốn vì sự chủ quan đó. Chính tinh thần xem nhẹ của chúng ta đã khiến sự trì hoãn thêm trầm trọng. Một khi bạn ngồi xuống và bắt tay vào làm thì bạn mới phát hiện ra mình hoàn toàn không đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu một nhiệm vụ quá dễ, hãy kết nối vấn đề với bức tranh lớn, bởi vì những kết nối này sẽ giúp công việc bớt nhàm chán và bạn trở nên có ý thức hơn thay vì chủ quan. Chẳng hạn, bạn rất ghét công việc nhập dữ liệu nhưng khi nghĩ về vai trò của dữ liệu trong phân tích chiến lược, công việc đó trở nên ý nghĩa hơn. Do vậy, lời khuyên ở đây nằm ở ý thức của người làm, ngay cả một việc nhỏ mà không xong thì có lẽ việc lớn cũng chẳng tốt đẹp.

4. “Tôi không thích nó”
Không phải lúc nào nhiệm vụ quá dễ hay quá khó mà bạn mới trì hoãn công việc. Thi thoảng, lý do chỉ đơn thuần là bạn không muốn làm.
Rất tiếc là chẳng có cách nào để dạy bạn hứng thú với một thứ mà ngay từ đầu nó chẳng bao giờ thu hút sự chú ý của bạn. Tuy nhiên, tin mừng ở đây cho biết kỷ luật tự thân là cách để bạn có thể trui rèn nội lực của mình trước công việc. Thay vì trì hoãn nó, hãy tự tạo cho mình một quy tắc là bạn sẽ được chạm đến những việc mình yêu thích chỉ khi đã hoàn thành những công việc mà mình không hứng thú. Giống như một cuộc chơi, không phải nhiệm vụ nào cũng thú vị nhưng cả cuộc chơi là một hành trình tận hưởng nếu như bạn đã lần lượt chinh phục tất cả.

5. “Tôi không nghĩ là tôi có thể làm nó”
Bạn được phân một dự án mới bởi sếp. Sự thật là bạn đã ước họ có thể giao cho một ai khác nhưng trớ trêu thay là nó đã nằm trên dĩa của bạn. Bạn chỉ đơn thuần là không thể bắt tay vào làm với nỗi sợ của thất bại, liệu tôi có khả năng không, liệu tôi có bị sa thải sau dự án này.
Trì hoãn ngay chính nó đã là một thất bại, bởi nó làm bạn nhụt chí và không khai thác được hết toàn bộ tài năng thiên phú mà bạn đang nắm giữ.
Tương tự như việc học lái xe, bạn chỉ nhìn thẳng về phía trước và khi bạn nhìn chệch sang thứ khác, vô tình nó khiến bạn trật bánh lái. Lo lắng quá nhiều về mọi thứ có lẽ là nguyên nhân thất bại của phần lớn chúng ta.
Lời khuyên sắp nói ở đây dường như được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng có lẽ vì được nhắc quá nhiều nên đa số chúng ta hoàn toàn chủ quan và không chủ tâm thực hiện, đó là suy nghĩ tích cực. Thử một lần hình dung về những điều lạc quan khi làm tốt công việc, bạn đã tự trang bị cho mình công cụ để thành công. Tiến trình suy nghĩ này sẽ giúp bạn hướng đúng lộ trình công việc và bỏ qua các chướng ngại trì hoãn.

Theo gap-institute.com