Bí Quyết Duy Trì Niềm Say Mê Và Động Lực Làm Việc

0
Trong tuần vừa rồi, mình có đọc được một bài phỏng vấn tuyệt vời bằng tiếng Nhật. Bài phỏng vấn có tựa đề là “1回勝って終わる人と「勝ち続ける」人の差” – dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “sự khác biệt giữa người chiến thắng một lần rồi dừng lại và người có thể duy trì động lực chiến thắng trong thời gian dài”. Người được phỏng vấn là Game thủ nổi tiếng người Nhật, Daigo Umehara. Daigo Umehara được coi là người chơi Street Fighter nổi tiếng nhất trên thế giới (Street Fighter có tên tiếng Việt là Chiến binh đường phố – trò game đối kháng 2D mà ai có “tuổi thơ dữ dội” đều biết). Daigo Umehara bắt đầu chơi Game đối kháng từ năm 11 tuổi, 14 tuổi vô địch toàn nước Nhật, 17 tuổi là nhà vô địch thế giới, liên tục chơi Game chuyên nghiệp trong 20 năm – một thời gian dài hiếm gặp trong giới Game thủ chuyên nghiệp. Năm 2015, sau khi dành quyền vào bán kết một giải Game, Daigo đã tặng giải thưởng trị giá 60 nghìn USD của mình cho quỹ học bổng của khoa thiết kế Game, đại học New York, Mỹ.
Trong bài phỏng vấn, Daigo Umehara chia sẻ những bí quyết để anh có thể duy trì được niềm say mê, động lực làm việc, động lực chiến thắng trong khoảng thời gian dài đến như vậy. Bài phỏng vấn có nhiều ý hay, trong đó nổi bật nhất là ý: mỗi ngày Daigo Umehara cố gắng phát hiện ra một điều mới (trong lĩnh vực chuyên môn của anh là Game, có thể là những kinh nghiệm hay kỹ thuật mới mẻ mà anh nghĩ ra) và ghi lại phát hiện đó. Đây có thể nói là mô hình thành công đặc trưng của Nhật Bản, được người Nhật cực kỳ tôn sùng. Thành công với người Nhật là tích luỹ của nhiều sự cố gắng nhỏ mỗi ngày. Việt Nam ta cũng có một số câu với ý nghĩa tương tự: “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Năng nhặt chặt bị”.
Sau đây là một số ý hay mình diễn giải từ bài phỏng vấn:
  • Để đạt được thành công to lớn trên lĩnh vực gì đều phải chấp nhận đánh đổi, hy sinh nhiều thứ khác. Umehara từ năm 11 tuổi, gần như mỗi ngày (trừ ngày giao thừa và đầu năm mới) đều đến các Game Center để rèn luyện tay nghề chơi game. Rất may là bố mẹ anh ta không có phản đối hay cấm đoán gì mà chỉ thắc mắc “tại sao thằng bé có thể say mê chơi Game đến thế?”
  • Để duy trì động lực, niềm say mê với lĩnh vực gì, sự đánh giá, nhìn nhận từ bên ngoài, của người khác là quan trọng nhưng quan trọng hơn chính là niềm say mê tự thân của mỗi người. Trong các trò chơi đối kháng, thắng hay thua quá nhiều đều làm suy giảm động lực chiến thắng và có thể dẫn tới bỏ cuộc. Để duy trì được niềm say mê, chúng ta nên tập trung vào sự trưởng thành, tiến bộ của bản thân hơn là sự đánh giá của người ngoài. Nói theo đạo Khổng là chúng ta cần “sửa mình” mỗi ngày.
  • Theo đuổi một lĩnh vực trong thời gian dài là chưa đủ để trở thành một người thực sự “mạnh”. Vì sao có những người học/làm trong một lĩnh vực trong thời gian dài mà vẫn chưa giỏi. Lý do chính là họ chưa suy nghĩ đủ nhiều về nó. Trong quá trình làm việc/học tập, khi thất bại cũng như khi thành công, luôn cần đặt câu hỏi và suy nghĩ: mình làm như vậy đã tốt chưa?, có phương pháp nào tốt hơn không? Tại sao phương pháp của mình hiệu quả/không hiệu quả. Không chỉ vậy, cần liên tục thử nghiệm những phương pháp, cách tiếp cận mới, cách suy nghĩ mới, cách giải quyết vấn đề mới.
  • Mỗi ngày cố gắng phát hiện ra một điều mới. Những phát hiện này không nhất thiết phải là những điều gì to tát, có khi chỉ là những ý tưởng, cải tiến nhỏ, hoặc những câu hỏi, thắc mắc, nghi vấn. Ghi lại vào cuốn sổ nhỏ, điện thoại hay bất kỳ các phương tiện nào bạn thấy tiện lợi. Định kỳ đọc lại các ghi chép này (định kỳ 1 hoặc 2 tháng).
  • Không bị ám ảnh bởi các thành công nhỏ, mang tính tức thời mà cần tập trung vào rèn luyện “nội lực”, kỹ năng cho những thành công lớn.
  • Nguyên tắc 7:3. Nguyên tắc này có ý nghĩa là trong công việc có những những phần việc mang tính chất cơ bản, “phải làm”, có những phần việc mang tính “thử thách”, “sáng tạo”. Dành 70% sức lực, thời gian cho các công việc cơ bản, “phải làm” hàng ngày và 30% cho các thử nghiệm mới mang tính chất thử thách, sáng tạo. Nói cách khác, phần 70% là để duy trì công việc, còn phần 30% là phần nhằm tạo ra sự khác biệt giữa bạn và người khác.
========================
* Daigo Umehara còn xuất bản nhiều cuốn sách về quá trình rèn luyện, phấn đấu của anh. Cuốn mới nhất là “1日ひとつだけ、強くなる。” (nghĩa là mỗi ngày một phát hiện sẽ làm bạn mạnh hơn).
Chúc các bạn thành công!
Nguồn: Minh Phạm




Leave us a comment

logged inYou must be to post a comment.