[Topic] Ứng xử sau nghỉ việc: sao cho sau trước vẹn toàn, người lạ ơi!

hinh-noi-1
0

Thử lên google search key word “linkedin nói xấu công ty cũ”, có khoảng 52,200 kết quả trong vòng 0.4 giây?! OMG

Chủ đề này có lẽ đã cũ, người viết không muốn đề cập lại các nội dung lý thuyết, bài viết dưới đây như là lời tâm sự, chia sẻ về những công việc mà người viết đã trải qua:

Nói xấu công ty cũ: sướng cái miệng – hại cái nghiệp

Có lẽ đây là điều mà nhà tuyển dụng chúng ta hay gặp nhất khi hỏi ứng viên về công ty cũ. Những lý do quen thuộc như: sếp cũ độc đoán, môi trường gò bó, không rõ ràng minh bạch…blah…blah…blah. Ở một mức độ vừa phải, điều này có thể chấp nhận được. Nhưng khi thời lượng dành cho việc nói xấu công ty cũ quá dài hoặc thái độ trở nên phấn khích thì ứng viên đã tự cắt đứt cơ hội cho chính mình.

Bản thân người viết thường hạn chế nói về những khuyết điểm của công ty cũ. Khi trả lời câu hỏi về nội dung ra đi, người viết chỉ nói về lý do bất đồng, hết. 90% ứng viên rời công ty cũ là do bất đồng về một số vấn đề phát sinh, chỉ có một số ít là ra đi vì niềm đam mê. Và người phỏng vấn sẽ đánh giá cao ứng viên nếu như ứng viên đã nói ra vướng mắc của mình tại công ty cũ nhưng không có hướng giải quyết nên ra đi.

Khi một ứng viên nói xấu quá nhiều về công ty cũ, câu hỏi luôn luôn xuất hiện trong đầu người viết là “Sao bạn làm ở đó lâu vậy?”

Nghỉ việc rồi, không muốn liên quan gì tới công ty cũ.

Bao nhiêu ứng viên sau khi nghỉ việc vẫn còn hỗ trợ KHÔNG CÔNG cho công ty cũ? Con người hiện đại có rất nhiều lý do để biện minh rằng mình không có thời gian. Nhưng bạn ơi, việc đó có thể chỉ mất của bạn 5 phút mà thôi. Nhưng tôi được gì cơ chứ? Tôi nghỉ ở đó rồi mà. Cuộc đời vốn còn rất dài, có ai biết trước ngày mai ra sao không?

Đây có lẽ là một cái dở nữa mà nhiều ứng viên sau khi nghỉ việc mắc phải. Nhất là ở vị trí Nhân sự/ Tuyển dụng. Chúng ta thường xuyên làm việc với con người, do đó càng phải khéo léo hơn các vị trí khác. Với người viết, dù đã nghỉ việc nhiều năm nhưng nếu thấy có cái công ty cũ cần hoặc nghĩ rằng sẽ cần thì sẽ gửi cho bên ấy. Dù sao, đó cũng là nơi mà mình đã từng gắn bó, từng có tình cảm. Mâu thuẫn hoặc va chạm trong làm việc có thể đẩy ta đi nhưng giá trị kỷ niệm vẫn còn ở đó.

Người lạ ơi, tôi và bạn đâu hề quen biết nhau?!

Một hiện tượng thường thấy nữa là ứng viên nghỉ việc thì không còn quan hệ với bất kỳ ai ở công ty cũ. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn có chọn ứng viên ấy không?

Lý do mâu thuẫn với sếp có thể chấp nhận được cho sự ra đi, nhưng đến mức ứng viên ấy không còn liên lạc với bất kỳ ai ở công ty cũ là không thể chấp nhận được. Bạn nghĩ rằng liệu có ai đó bận đến mức không thể chúc nhau một câu trên mạng xã hội hoặc nhắn 1 tin chúc mừng không? Với thời đại ngày nay thì người đó có vẻ hiếm. Thông thường khi phỏng vấn ứng viên, người viết thường hỏi về quan hệ với đồng nghiệp cũ như thế nào, và nếu cần thiết chúng ta cũng có thể check reference.

Kết bài: Chúng ta là người Việt Nam với truyền thống uống nước nhớ nguồn. Dù đã nghỉ việc ở công ty cũ nhưng hãy nhớ đó từng là nơi mà ta gắn bó, cùng nhau chia sẻ khó khăn, mang lại tiếng cười cho nhau. Vì một lý do nào đó mà chúng ta không thể gắn bó với nơi đó nhưng hãy giữ hình ảnh tốt cho nơi mình đã từng đầu quân. Vì khi bạn nói xấu về nơi đó, chẳng khác nào bạn làm bẩn chính gương mặt của mình.

Hãy giữ cho nhau những tình cảm, quan hệ tốt sau nghỉ việc. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là không còn như lúc trước nữa, nhưng cũng đừng làm nó quá tệ. Một câu nói hay mà người viết rất tâm đắc: “Khi bạn muốn từ bỏ, hãy nhớ lại lý do mình bắt đầu”.

By: An Nguyen Quoc – anphabe.com