Làm Sao Để Biết Ơn Mà Không Thấy Mắc Nợ Người Khác?
Cảm giác biết ơn có thể làm ta thấy hạnh phúc, thấy tin tưởng người khác nhiều hơn và muốn giúp đỡ lại cho họ. Nhưng khi nhận điều gì từ người khác, không phải lúc nào ta cũng thấy biết ơn.
I. Thay vào đó là cảm giác mắc nợ.
Ta có cảm giác mắc nợ người khác khi ta cho rằng thứ mà mình nhận được gắn với một cái giá ngầm phải trả. Hãy nghĩ đến vị sếp thường tán dương đạo đức nghề nghiệp của bạn hay người bạn đã giúp bạn chuyển đồ đạc trong nhà. Trong những trường hợp như vậy, có lẽ bạn thấy rằng bằng cách nào đó mình nên trả ơn họ. Vị sếp kia có lẽ sẽ muốn bạn làm việc khuya; người bạn kia có khi sẽ hỏi mượn tiền bạn – và tự nhiên anh ta sẽ nhắc đến lần giúp bạn chuyển chiếc ghế trường kỷ đó.
Nghiên cứu cho thấy có một vài điểm khác biệt quan trọng giữa việc cảm thấy biết ơn và cảm thấy mắc nợ người khác. Chẳng hạn, những người cảm thấy mắc nợ người khác có xu hướng biểu lộ cảm xúc tiêu cực và căng thẳng hơn thay vì cảm thấy được nâng đỡ, vì họ lo lắng về việc trả “món nợ” đã nhận. Cảm giác mắc nợ người khác cũng có thể dẫn đến những cảm xúc bất an hơn về người đã giúp đỡ bạn và khiến bạn ít muốn giúp đỡ họ lại hơn sau này.
II. Khi nhận điều gì từ người khác, không phải lúc nào ta cũng thấy biết ơn.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chuyện liệu việc giúp đỡ người khác sẽ làm họ thấy biết ơn hay khiến họ cảm thấy mắc nợ – hay cả hai. Nghiên cứu chỉ ra rằng những yếu tố có thể chi phối điều này chính là mối quan hệ giữa người cho và người nhận, kích cỡ của món quà, và chủ đích của người cho mà người nhận hiểu được – nghĩa là người nhận hiểu rằng người cho chỉ đơn giản là tốt bụng hay họ đang mong muốn nhận lại một thứ gì khác. Nhìn chung, ta có xu hướng cảm thấy biết ơn một cách tích cực hơn nếu người cho là người thân với ta, giúp đỡ một cách phóng khoáng hơn và không vụ lợi.
Khoa học cũng chứng minh một số người có xu hướng mang cảm giác mắc nợ nhiều hơn so với người khác do tính cách của họ. Chẳng hạn, vài nghiên cứu cho thấy rằng đàn ông có cảm giác mắc nợ người khác nhiều hơn phụ nữ khi nhận được một món quà bất ngờ, có lẽ vì những đặc tính xã hội của đàn ông là độc lập và tự tay làm mọi thứ. Khi cảm giác biết ơn cho thấy thành công của họ là nhờ vào người khác, rất khó để đàn ông cảm thấy biết ơn. Điều đó cũng lý giải cho việc tại sao rất nhiều người bạn là phụ nữ của tôi thường phàn nàn về cách các ông chồng của họ không hề cảm ơn khi được vợ làm điều gì đó cho mình.
Văn hóa dường như cũng góp phần ảnh hưởng đến việc ta có cảm thấy mắc nợ người khác hay không. Vài nghiên cứu chỉ ra rằng người Á Đông có xu hướng vừa thấy biết ơn vừa thấy mắc nợ khi nhận quà từ người khác, một phần vì nét văn hóa dựa trên tinh thần “có qua có lại” của họ. Tuy nhiên, dù là ở các nước Á Đông thì vẫn có nghiên cứu cho rằng lòng biết ơn, chứ không phải cảm giác mắc nợ, là một liều thuốc hiệu quả giúp thúc đẩy việc tạo dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội.
III. 4 Cách Để Biết Ơn Một Cách Chân Thành
Vậy tất cả những điều này có nghĩa gì? Vào mùa lễ (ở các nước phương Tây, đây là dịp để mọi người tặng quà cho nhau), có lẽ ta sẽ muốn suy nghĩ kĩ hơn xem phải làm thế nào để thấy biết ơn người khác nhiều hơn, đồng thời làm giảm thiểu bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào mà cảm giác mắc nợ gây ra. Sau đây là một vài điều mà các nghiên cứu cho thấy ta nên làm.
1. Tập Trung Vào Người Khác, Chứ Không Phải Vào Bản Thân
Cũng giống như việc mưu cầu hạnh phúc, khi muốn cảm thấy biết ơn, tốt hơn hết có lẽ bạn nên tập trung vào người khác và các mối quan hệ của bạn – chứ không phải vào lợi ích tiềm năng mà bản thân bạn có thể nhận được. Nếu không, bạn sẽ không thật sự cảm thấy biết ơn họ.
“Lòng biết ơn là một cảm xúc tập trung vào người khác, khi ta tập trung vào điều người khác đã làm cho ta”, nhà nghiên cứu lòng biết ơn Philip Watkins cho biết, “Khi đó, tôi nghĩ lòng biết ơn chân thành sẽ tự nhiên xuất hiện.”
Vài nghiên cứu cho rằng ta cần phải tập trung vào những yếu tố bên ngoài để không cảm thấy mắc nợ người khác. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra người tập trung vào bản thân hơn có xu hướng thấy mắc nợ người khác nhiều hơn thay vì biết ơn. Một nghiên cứu khác cho thấy những người quan tâm hơn đến việc tìm kiếm sự an toàn và tin cậy trong một mối quan hệ – một lợi ích cho chính họ – cho thấy rõ xu hướng ít cảm thấy biết ơn và có cảm giác mắc nợ người khác nhiều hơn, so với khi cả người cho và người nhận cùng quan tâm đến việc nuôi dưỡng mối quan hệ – một mục tiêu tập trung hướng ra bên ngoài bản thân hơn.
“Vấn đề với cách nghiên cứu lòng biết ơn của tâm lý học đại chúng chính là: ta nhấn mạnh hạnh phúc là kết quả của việc cảm thấy biết ơn đến nỗi xem lòng biết ơn như con đường dẫn đến hạnh phúc.” Watkins cho biết. “Lòng biết ơn đúng là một con đường dẫn đến hạnh phúc; nhưng khi ta chú ý đến con đường thay vì đến bản thân sự biết ơn (trân trọng điều người khác đã làm cho ta), thì rất có thể nó sẽ phản tác dụng.
2. Cho Đi Mà Không Mong Nhận Lại
Khi cho đi, bạn cần phải cho đi một cách thoải mái mà không mong được nhận lại bất cứ thứ gì. Nếu người khác cho rằng bạn đang muốn trao đổi thứ gì đó với họ hay bạn đang cố ép buộc họ, thì họ thường sẽ không thấy biết ơn bạn. Thêm vào đó, họ sẽ ít muốn đền đáp bạn hơn, hay thậm chí sẽ ít muốn hào phóng với những người họ quen.
May mắn là giá trị hiện kim của một món quà không có tầm quan trọng quá lớn trong việc khiến người khác thấy biết ơn. Điều quan trọng ở đây là việc bạn biết nghĩ đến người khác khi tặng quà, biết cân nhắc đến sở thích và nhu cầu của họ.
Bên cạnh đó, việc tặng quà một cách thoải mái và hào phóng cũng liên quan đến nhiều điều mà bạn nhận được trở lại, trong đó có niềm hạnh phúc. Bạn sẽ có xu hướng tận hưởng cảm giác cho đi mà không cần nhận lại nhiều hơn, đồng thời làm người nhận cũng cảm thấy biết ơn thật sự và gắn kết hơn với bạn.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng nếu bạn cho đi để nhận lại thứ gì đó từ một người, kiểu gì thì bạn cũng sẽ ít có khả năng nhận được điều đó hơn – vì việc cho đi sẽ phản tác dụng.” Watkins cho biết. “Ta cần phải chú trọng nhiều nhất đến niềm vui từ việc cho đi chứ không phải lợi ích khi nhận lại.”
3. Tỏ Ra Biết Ơn Dù Không Chắc Đó Có Phải Là Cảm Giác Thật Lòng Hay Không
Đây có vẻ là một ý tưởng điên rồ. Sao ta lại muốn tỏ ra biết ơn dù thật sự ta không cảm thấy như vậy?
Vì theo Watkins, các nghiên cứu dường như gợi ý rằng việc cố tình tỏ ra biết ơn không chỉ ảnh hưởng đến những người thường thấy biết ơn, mà cả những người không thích tỏ ra biết ơn người khác hay những người có xu hướng ái kỷ.
“Trong tất cả những nghiên cứu mà tôi từng tiến hành, luôn có những sinh viên tỏ ra biết ơn chỉ vì nghĩa vụ, nhưng điều đó vẫn có hiệu quả”, Watkins cho biết. “Ta có xu hướng nhấn mạnh rằng mình cần phải thật sự cảm thấy biết ơn thì mới thể hiện tốt điều đó. Nhưng bạn biết gì không? Có thể bạn không cần làm vậy.”
Vậy có phải ta nên khuyến khích người khác (con cái chẳng hạn) tỏ ra biết ơn một cách trang trọng hay không? Câu trả lời có thể là “Có”, nhưng chỉ trong một số trường hợp quan trọng được báo trước. Trẻ học từ các bậc cha mẹ làm gương trong việc tỏ ra biết ơn hơn là từ các bậc cha mẹ “chỉ dạy chứ không làm,” Watkins cho biết.
Vài nghiên cứu chỉ ra rằng ta có thể thúc đẩy trẻ em có tư duy biết ơn một cách khá dễ dàng, từ đó trẻ sẽ nhận được những lợi ích như có cảm xúc tích cực hơn. Ngồi xuống bên trẻ và giúp trẻ nghĩ đến sự quan tâm hay hy sinh của người khác dành cho trẻ có thể thúc đẩy trẻ biết ơn nhiều hơn so với việc bảo trẻ phải làm vậy, Watkins cho biết.
Song, Watkins cho rằng ta nên tránh miễn cưỡng. Chẳng hạn như nếu đang bày tỏ lòng biết ơn trong bữa ăn vào Lễ Tạ ơn, có lẽ tốt hơn hết là ta đừng ép buộc mọi người lần lượt làm theo mình, mà hãy đơn giản mời họ nghĩ về những điều tốt đẹp họ có trong cuộc sống. Vì giống như những cảm xúc tích cực khác, cảm giác biết ơn dường như cũng dễ lan truyền, nên nhiều khả năng mọi người sẽ tham gia và tạo nên một làn sóng cảm xúc tích cực.
4. Mở Lòng Đón Nhận Niềm Hạnh Phúc Của Việc Cho Đi Và Nhận Lại
Một cách tự nhiên, cảm giác biết ơn làm ta thấy vui. Nhưng biết cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực nói chung trong cuộc sống – có thể chỉ bằng việc đi dạo giữa thiên nhiên, nói chuyện với một người bạn thân, hay nghe nhạc – cũng có thể giúp bạn khơi dậy một làn sóng cảm xúc tích cực, từ đó giúp bạn thấy biết ơn nhiều hơn và ít có cảm giác mắc nợ người khác hơn.
Luyện tập sự bình yên trong tâm hồn có thể giúp ta chú tâm nhiều hơn đến những giá trị cuộc sống, cũng như những người đã đem nó đến với ta. Có lẽ điều này giải thích tại sao sự nhất quán và xu hướng biết ơn thường song hành và tương tác với nhau để tạo ra nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.
Theo Watkins, ta có thể chủ động hơn trong việc cho đi, cũng như chủ động tỏ ra biết ơn đối với người khác. Ông cho rằng, ta cho đi vì ta cảm thấy đó là điều cần thiết, và nó diễn ra quá thường xuyên đến nỗi ta quên mất một sự thật rằng cho đi là một lựa chọn. Thay vì cho đi một cách vô thức, ta có thể nghĩ đến người khác và mở lòng với những niềm hạnh phúc từ điều đó.
“Với tôi, mấu chốt ở đây là bạn phải tự nhủ rằng bản thân muốn làm điều đó, chứ không phải bị buộc phải làm, và đừng quên tận hưởng niềm vui của sự cho đi trong cuộc sống.”
Theo brand.cool