Quy tắc bắt tay trong giao tiếp

0

Bắt tay là một trong những yếu tố không thể thiếu trong giao tiếp, là một hành động mang nhiều thông điệp ý nghĩa giúp những cuộc giao tiếp và đàm phán trở nên thành công hơn. Tuy nhiên để cái bắt tay phát huy được hết công dụng của mình, bạn cần có kỹ năng bắt tay. Những quy tắc dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng này.

1. Thứ tự bắt tay trước sau

  • Giữa nam và nữ: Nam giới phải đợi nữ giới giơ tay ra trước mới được bắt. Nếu nữ giới không giơ tay, có nghĩa là không muốn bắt tay, có thể gật đầu hoặc nghiêng mình để tỏ ý
  • Giữa chủ và khách: Chủ phải giơ tay ra trước để tỏ ý chào đón khách.
  • Giữa người lớn tuổi và ít tuổi: Người ít tuổi hơn phải đợi người lớn tuổi đưa tay ra trước.
  • Giữa cấp trên và cấp dưới: Cấp dưới phải đợi cấp trên giơ tay ra trước để tỏ ra tôn trọng. Nhiều người đồng thời giơ tay ra trước để tỏ ý tôn trọng.
  • Với khách hàng: Khi bắt tay tinh thần phải tập trung, mắt nhìn khách hàng, mỉm cười. Khi bắt tay không được nhìn vào người thứ ba, lại càng không được liếc ngang liếc dọc, đó đều là những biểu hiện thiếu tôn trọng khách hàng.
  • Quân nhân đội mũ khi bắt tay, trước hết phải giơ tay lên mũ để chào, rồi mới giơ tay để bắt tay.

2. Thời điểm bắt tay

  • Hãy bắt đầu bắt tay ngay sau khi đã tự giới thiệu. Đừng vì quá tập trung vào việc giới thiệu bàn tay của mình hơn chính bản thân mình.

,quy tắc giao tiếp,nghệ thuật giao tiếp,cách bắt tay
  • Chỉ bắt tay khi cả hai cùng đứng dậy hoặc cùng ngồi. Tối kỵ là khi một người ngồi, một người đứng lom khom hay một người đứng trên bục cao, bậc trên của cầu thang, một người ở thấp hơn.

3. Không bắt tay quá lâu

  • Thời gian bắt tay ngắn hay dài căn cứ vào mức độ thân thiết của 2 bên. Người gặp mặt lần đầu, giữ trong khoảng 3 giây đồng hồ, chớ nên bắt tay người khác giới quá lâu không rời. Ngay cả bắt tay người cùng giới cũng không nên quá dài, tránh cho khách hàng muốn bỏ tay ra cũng không bỏ được. Nhưng nếu thời gian bắt tay quá ngắn sẽ gây cho người ta cảm giác mình ngạo mạn, lạnh nhạt…

4. Với bản thân

  • Không nên giơ tay trái ra bắt, đặc biệt khi bạn đang giao tiếp với người Ả rập, người Ấn Độ điều này bạn càng cần phải chú ý. Vì theo quan điểm của họ tay trái là bàn tay không được sạch sẽ.
  • Chớ nhiệt tình quá mà bóp tay người ta quá mạnh, giật tay người ta quá lâu khiến người ta đau, nhất là đối với phụ nữ. Hãy nhớ bắt tay là thủ tục giao tiếp chứ không phải là thi “vật tay”. Nhưng bắt tay hời hợt, yếu ớt, chưa chạm đã buông, hay bắt tay kiểu cầm vài ngón tay cũng là không đạt tới mức kỹ năng.
  • Khi bắt tay không nên đeo găng tay, đội mũ hoặc đeo kính đen, chỉ có phụ nữ khi giao tiếp ngoài xã hội được phép đeo găng tay khi bắt tay.
  •  Không nên một tay cầm đồ hoặc đút túi còn tay kia giơ ra bắt.
  • Những bạn đeo nhẫn thì lưu ý để chúng không trở thành vũ khí sát thương đối phương.
  • Với người lớn tuổi, nên cúi thấp hơn một chút để tỏ vẻ kính trọng. Bạn không cần thiết ấp cả hai bàn tay của mình vào tay người khác hay cúi rạp mình, khiến người ta có cảm giác bạn nhúm mình khúm núm quá mức.
  • Không nên từ chối cái bắt tay của đối phương, cho dù có bệnh về tay, tay ướt, bẩn thì cũng nên giải thích với đối phương một cách lịch sự: “Xin lỗi, tay tôi không tiện để bắt tay anh (chị) lúc này” để tránh đối phương hiểu lầm.
  • Khi bắt tay ai đó, bạn hãy truyền cho người ta cảm giác thân thiện, cởi mở, sức mạnh của sự tự tin, khả năng làm chủ bản thân, để lại ấn tượng tốt đẹp. Đó là khởi đầu của mối quan hệ tốt đẹp và thành công.

Kỹ năng bắt tay là một kỹ năng quan trọng giúp bạn giao tiếp hiệu quả, đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống. Hãy vận dụng những quy tắc bắt tay mà bài viết đã chia sẻ để rèn luyện cho bản thân cách bắt tay “cực chuẩn”, gây được thiện cảm với đối phương.

Theo ohay.vn