Sinh Viên Năm 2 Cần Làm Gì Để Xin Được Việc?
Bớt thời gian cho Facebook, dùng LinkedIn nhiều hơn
Facebook rất là hay và tiện. Facebook cũng có rất nhiều cơ hội việc làm và có nhiều bạn bè của em. Nhưng kinh nghiệm cá nhân của anh là các công việc trên Facebook thường khá nhảm nhí, tính xác thực không cao, nếu không cẩn thận là lại lọt vào mấy công ty đa cấp hoặc làm kinh doanh không lương. Vậy nên anh khuyên nếu bạn nào chưa biết đến LinkedIn, hãy tạo ngay một tài khoản LinkedIn và dùng thử. Bạn nào đã có tài khoản LinkedIn rồi mà chưa update gì thì nên dành thời gian ngay bây giờ để update thành tích, kĩ năng và chút ít kinh nghiệm (nếu có) vào đó ngay nhé. Trên LinkedIn không chỉ có rất nhiều cơ hội việc làm cho các em, mà ở đó còn có rất nhiều các anh chị nổi tiếng làm trong lĩnh vực tuyển dụng, săn đầu người, họ thường xuyên chia sẻ các tips xin việc và làm việc hay ho sẽ giúp các em học được rất nhiều.
Đây là LinkedIn của anh cho các bạn tham khảo: https://vn.linkedin.com/in/anhtuanle234
Đây là một bài viết anh tổng hợp các ‘job search advisor’ hay ho mà các em nên follow khi dùng LinkedIn. Cứ đọc bài của mấy người này thường xuyên thì chẳng mấy chốc sẽ giỏi: https://anhtuanle.com/2016/07/19/10-nguoi-minh-follow-tren-linkedin-de-tang-cuong-kien-thuc-va-ki-nang-nghe-nghiep/
Các bước cơ bản để tạo một profile LinkedIn đầy đủ: http://8morning.com/phat-trien-ki-nang/networking/cac-buoc-co-ban-de-tao-profile-tren-linkedin.html
Ứng tuyển qua các trang việc làm đôi lúc cũng không hiệu quả
Rất nhiều em than thở với mình là em gửi đơn đến mấy chục công ty qua Vietnamwork, CareerBuilder, JobStreet các thứ rồi mà chẳng có công ty nào phản hồi lại. Khoan nói đến chuyện có thể CV và Cover Letter của em chưa tốt, để tìm được việc hiệu quả hơn, các em nên cố gắng mở rộng cách thức tìm việc của mình ra một chút – đừng quá phụ thuộc vào các trang tìm việc nhiều quá.
Em nên chịu khó tham gia các buổi Career Fair, ngày hội việc làm, các buổi Workshop hoặc Talkshow trong chuyên ngành mà em thích. Anh thấy mấy chương trình này tháng nào cũng tổ chức, không trường này thì trường kia, nhiều lắm à. Và khi tham gia những chương trình này thì các em nên nghiêm túc đầu tư vào sự chuẩn bị thì mới có kết quả. Đừng chỉ chăm chăm rủ rê nhóm bạn đến để check-in và chụp ảnh cho vui. Ví dụ em trước khi đi Career Fair, ngày hội việc làm em nên sửa lại CV thật đẹp, in ra giấy tốt nhất cho vào folder khoảng chục bộ để mang đi nộp dần. Khi thăm quan các booth tại ngày hội việc làm, nếu em thấy hứng thú với công ty nào, đừng len lén đứng đó nghe không, hãy bắt chuyện với người ở công ty đó, đưa CV, xin contact (business card) của họ và về để gửi thư cảm ơn cũng như hỏi xem có cơ hội việc làm nào không? Em sẽ phản biện lại là nếu bạn nào cũng làm thế thì sao đúng không? Em cứ yên tâm, mười bạn biết cần làm những điều này để có việc, nhưng được bao nhiêu bạn dám thực hiện thực tế.
Học tiếng Anh ngay đi các em ạ
Thời điểm này so với cách đây khoảng 5-6 năm thôi, các bạn trẻ giỏi tiếng Anh hơn hẳn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn nào cũng giỏi. Anh thấy bạn nào mà biết chút tiếng Anh thì lợi thế khi đi xin việc sẽ cao hơn hẳn, lương cũng cao hơn nữa. Một bạn Marketing làm tốt lương 5 triệu, nhưng vừa làm tốt lại vừa có tiếng Anh, lương kiểu gì cũng phải hơn con số đó, lương 7 triệu chẳng hạn. Biết tiếng Anh vừa giúp cho các em viết được một bản CV chỉn chu không sai lỗi chính tả, vừa tìm kiếm được cơ hội ở các công ty nước ngoài (hoặc thậm chí ở nước ngoài luôn) mà lương tính bằng đô, cao hơn hẳn vị trí không đòi hỏi tiếng Anh. Và cuối cùng biết tiếng Anh sẽ giúp cho các em tiếp cận được với các tài liệu chuyên môn chuẩn, tránh đọc phải mấy báo lá cải ở Việt Nam mình, làm cho kiến thức bị sai lệch.
Chương trình Bình Dân Học Vụ Tiếng Anh, giúp các em vừa học giao tiếp vừa học các kĩ năng tìm việc bằng tiếng Anh. https://www.facebook.com/binhdanhocvutienganh/
Cái gì cũng cần phải học, không có gì là thừa hết
Trước tiên là các kĩ năng bổ trợ cho chuyên ngành mà em định theo đuổi. Em hãy nhớ rằng, kiến thức ở trường chả bao giờ là đủ, và nhà tuyển dụng không bao giờ đánh giá cao một bạn được 10 điểm ở trường so với 1 bạn có 10 kinh nghiệm đi làm việc thực tế cả. Vậy nên nếu em đã có một ngành nhắm đến trong đầu, hãy dành thời gian search thử các công việc của ngành đó trên mạng, sau đó lấy giấy và bút ra, gạch đầu dòng xem trong từng công việc nhà tuyển dụng thường đòi hỏi kĩ năng gì. Ví dụ công việc Marketing mà biết lập kế hoạch sự kiện, biết làm Photoshop thì em nên bắt đầu đi học ngay những khoá ngắn hạn của những kĩ năng này ngay. Kinh nghiệm có thể các em chưa có đủ, nhưng nếu các em có đủ những kĩ năng mà nhà tuyển dụng cần trong tin tuyển dụng của họ, thì chắc chắn em sẽ vẫn có lợi thế hơn so với nhiều ứng viên khác.
Ngoài ra, các em nên học và ‘job search techniques and etiquettes’ – tức là những điều cần biết và các quy tắc ứng xử khi đi xin việc. Cái này sinh viên Việt Nam mình do không được dạy trên ghế nhà trường, lên mạng tìm hay hỏi han bạn bè thì mỗi đứa khuyên một kiểu, chẳng biết thế nào mà lần. Ví dụ khi anh tuyển một vị trí chăm sóc khách hàng, ưu tiên các ứng viên là sinh viên, thì anh chẳng coi trọng lắm vấn đề kinh nghiệm trong CV của các em đâu. Anh chỉ cần thấy một bạn nào đó có email thật chuyên nghiệp, viết nội dung đầy đủ, CV trình bày chỉn chu không có lỗi, thưa gửi đầy đủ, cảm ơn nhiệt tình là anh có ấn tượng, gọi ngay đi phỏng vấn rồi. Nghe thì dễ như vậy, nhưng 10 bạn gửi CV đến kiểu gì cũng có 9 bạn làm sai một trong các bước trên rồi. Thế nên những cái này cũng nên học, học cách tìm việc hiệu quả hơn, học cách viết CV sao cho chuẩn, gửi mail để không bị sai, nên cảm ơn như thế nào – có như thế thì các em mới nổi bật được hơn các ứng viên khác.
Theo anhtuanle.com