Cách đọc sách báo tiếng Anh

0
Cách đây mấy tuần, mình có hỏi các bạn trẻ là mình nên viết về kỹ năng gì, khá nhiều bạn nói kỹ năng đọc. Mình rất vui vì thấy càng ngày văn hoá đọc ở Việt Nam càng phát triển. Trong bài này, mình muốn chú trọng đến việc đọc bằng tiếng Anh. Mình sẽ nói về tầm quan trọng của việc đọc bằng tiếng Anh, đọc tiếng Anh ở đâu, và đọc như thế nào.
Tại sao chúng ta cần đọc sách báo tiếng Anh
Lý do 1: Tiếp cận nguồn kiến thức khổng lồ của nhân loại
Mặc dù Quan thoại là tiếng mẹ đẻ của nhiều người hơn tiếng Anh, tiếng Anh vẫn được coi là ngôn ngữ toàn cầu. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, khi muốn tác phẩm của mình được nhiều người trên khắp thế giới biết đến, vẫn chọn viết bằng tiếng Anh. Các tác phẩm viết bằng ngôn ngữ khác, nếu mang lại nhiều giá trị, đều được dịch ra tiếng Anh.
Mặc dù tiếng Việt là một ngôn ngữ lớn — tiếng Việt là ngôn ngữ lớn thứ 16 trên thế giới tính theo số người nói tiếng này như tiếng mẹ đẻ — thị trường sách tiếng Việt lại khá nghèo nàn. Nhiều cuốn sách hay bằng tiếng Anh hoặc không được dịch ra tiếng Việt, hoặc phải đợi rất lâu mới được dịch sang tiếng Việt.
Trong số 10 cuốn sách mà Bill Gates gợi ý nên đọc cho mùa hè 2016 và mùa hè 2017, không cuốn sách nào có bản tiếng Việt. Những cuốn sách này không phải là sách hiếm mà ngược lại, là những cuốn sách bán rất chạy. Ví dụ, cuốn “Sapiens: A Brief History of Humankind” nói về lịch sử loài người và giải thích tại sao homo sapiens lại trở thành loài thống trị trái đất, lọt vào danh sách bán chạy của New York Times và đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, trừ tiếng Việt. Cuốn tự truyện “Born a Crime” của Trevor Noah nói về tuổi thơ của anh — một đứa con lai của mẹ da đen, bố da trắng — ở Nam Phi trong thời kỳ Apacthai và hậu Apacthai gây được tiếng vang đến mức trong suốt mấy tháng cuối năm 2016, hiếm có bữa ăn tối nào mình đi ở Mỹ mà không nghe ai đó nói về cuốn sách này. Phần lớn các cuốn tiểu thuyết đạt giải thưởng danh giá Man Booker đều chưa có bản tiếng Việt. Ngay cả những tên tuổi lớn đã đạt giải Nobel về văn học như V.S. Naipaul, Alice Munroe, Mario Vargas Llosa cũng chỉ có lác đác vài tựa đề dịch ra tiếng Việt.
Là tác giả, mình có quen biết khá nhiều người trong ngành xuất bản. Khi hỏi các anh chị mình biết tại sao Việt Nam không dịch nhiều hơn các cuốn sách có giá trị, các anh chị bảo chung chung là do thị trường. Thỉnh thoảng, họ có cố gắng đầu tư dịch các cuốn sách hay nhưng độc giả rất ít. Sách bán chạy vẫn là các tiểu thuyết ngôn tình — độc giả đọc để trốn thoát hiện tại hơn là để học hỏi.
Vậy nên, nếu chỉ đọc tiếng Việt, chúng ta chấp nhận ao tù, tách biệt bản thân ra khỏi nguồn kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Lý do 2: Tiếp cận thông tin không bị kiểm duyệt
Theo nghiên cứu năm 2016 của tổ chức Reporters Without Borders, Việt Nam đứng thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí. Chính phủ sở hữu hầu hết các kênh thông tin báo chí. Bất kỳ một cuốn sách nào, trước khi xuất bản, đều phải đi qua kiểm duyệt. Nhiều trang tin nước ngoài khi đến Việt Nam cũng phải tuân thủ gắt gao yêu cầu của chính phủ Việt Nam.
Sau kiểm duyệt, nhẹ thì bản dịch sẽ bị chỉnh sửa. Nặng thì trang tin nước ngoài đó bị cấm/chặn, hoặc bản dịch sẽ không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời. Nguyễn Thanh , tác giả người Mỹ gốc Việt của cuốn sách được giải Pulitzer danh giá, “The Sympathizer”, lo ngại rằng bản dịch cuốn sách của ông sẽ bị kiểm duyệt. Nhiều tác phẩm kinh điển được thế giới ca ngợi nhưng vì một lý do nào đó không qua được kiểm duyệt. Ví dụ điển hình là tác phẩm 1984, xuất bản năm 1949, của George Orwell. Cuốn tiểu thuyết nói về tương lai phản địa đàng khi mà các Đảng viên của một Đảng Trong kiểm soát cả đất nước. Cuốn sách này đứng thứ 13 trong danh sách 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất của Modern Library, đứng thứ 8 trong cuộc khảo sát The Big Read của BBC, và trong danh sách 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất mọi thời đại của Time. Đến tận năm nay, 2017, cuốn sách vẫn lọt vào trong danh sách bán chạy của New York Times.
Luôn đọc thông tin từ một phía khiến chúng ta có cái nhìn lệch lạc. Khi đọc bản tiếng Anh, chúng ta có cơ hội tiếp cận thông tin đa chiều, hoàn chỉnh.
Lý do 3: Nâng cao trình độ tiếng Anh
Nhiều người cứ nghĩ phải giỏi tiếng Anh mới có thể đọc bằng tiếng Anh. Nó là ngược lại. Để giỏi tiếng Anh, bạn cần phải đọc tiếng Anh thật nhiều. Để học bất kỳ một ngôn ngữ nào, chúng ta đều cần lần quen với ngôn ngữ nó. Cùng với nghe nói, đọc viết là một kênh quan trọng để làm quen với ngôn ngữ.
Đọc bằng tiếng Anh trước hết giúp chúng ta mở rộng vốn từ vựng. Khi gặp từ mới, mình tra từ điển. Khi gặp cụm từ là lạ, mình google. Có nhiều trang giải nghĩa các thành ngữ, tục ngữ tiếng Anh. Hồi mới học tiếng Anh, mình có đặt tiêu chí là mỗi ngày đọc một, hai trang tiếng Anh. Vì vừa đọc vừa tra từ điển, có khi cả tiếng mình mới đọc xong một hai trang này. Sau đó, mình chọn ra 10 từ vựng thú vị/quan trọng nhất để ghi nhớ và thực hành đặt câu với chúng.
Đọc bằng tiếng Anh giúp chúng ta làm quen với cách ngôn ngữ được sử dụng. Ngôn ngữ phản ánh nền văn hoá nên ngôn ngữ đó được sử dụng. Vì văn hoá khác nhau, các ngôn ngữ cũng sẽ được sử dụng khác nhau. Ví dụ, mình nhận ra rằng khi dùng tiếng Việt, mình cố gắng lễ phép, dùng các từ hoa văn, tránh dùng câu cụt ngủn. Khi dùng tiếng Anh, mình ngắn gọn, xúc tích, thỉnh thoảng còn đanh đá. Càng đọc nhiều tiếng Anh, chúng ta càng quen dần với văn phong của ngôn ngữ đó.
Đọc sách báo tiếng Anh ở đâu
Sách tiếng Anh hoặc không có mặt ở Việt Nam, hoặc nếu có mặt thì thường khá đắt. Nhưng may mắn là như bất cứ phương tiện truyền thông nào, nếu bạn chịu khó tìm, bạn sẽ thấy nó ở trên mạng.
Đặt chủ sở ở Nga, Library Genesis (gen.lib.rus.ec) là cổng tìm kiếm sách báo mở lớn nhất và lâu đời nhất. Nó có khoảng 52 triệu tựa đề đến từ hơn 50,000 nhà xuất bản. Bạn thường có thể tìm cuốn sách bạn muốn đọc ở đó và download hoàn toàn miễn phí. Rất nhiều sinh viên nghèo trên thế giới tiết kiệm hàng trăm đô mỗi năm tiền mua sách giáo khoa từ download trên trang này.
Trang này có hợp pháp hay không còn tuỳ thuộc vào góc nhìn của bạn. Library Genesis đăng ký ở cả Nga và Hà Lan, nên nhiều người tin rằng nó hợp pháp ở hai quốc gia này. Tuy nhiên, nó bị cấm bởi một số nhà cung cấp Internet ở Anh, và toàn án ở một thị trấn ở New York cũng đã cấm trang này.
Bỏ chuyện hợp pháp hay không qua một bên, bạn nghĩ sao về việc đọc sách mà không trả tiền? Là tác giả, mình trân trọng công sức của người viết và mình nghĩ rằng tác giả xứng đáng được đền bù cho công sức họ bỏ ra. Tuy nhiên, khi điều kiện thực sự không cho phép, như khi bạn không có cách nào khác tiếp cận cuốn sách đó, hoặc thực sự không có tiền để mua sách, sẽ thật đáng buồn nếu vì thế mà bạn không tiếp cận được nguồn kiến thức đó.
Một số tựa sách tiếng Anh thú vị mà không quá khó đọc bao gồm:
Tippi — my book of Africa: sách ảnh kể về cô bé người Pháp lớn lên giữa động vật hoang dã châu Phi, y hệt như cô bé rừng xanh ý.

Mình cũng muốn đi đến đây :((
The Little Prince: Hoàng tử bé, câu chuyện của một vị hoàng tử tí hon rời khỏi hành tinh của mình và lưu lạc đến sa mạc Sahara. Câu chuyện dễ thương đến mức con bạn thân của mình xăm hình con sói lên tay để không bao giờ quên đi tuổi thơ của bản thân.
Hyperbole and a half: tổng hợp webcomic và blog của một hoạ sĩ về tuổi thơ và quá trình tập làm người lớn của cô. Bạn có nhớ meme dưới đây không? Nó từ cuốn sách này mà ra đấy.
The Hundred-Year-Old Man Who Climbed Out of the Window and Disappeared: Đúng như tên gọi của cuốn sách, đây là một câu chuyện hài hước và một ông lão 100 tuổi trèo ra khỏi cửa sổ nhà dưỡng lão vì muốn phiêu lưu, và rồi làm náo lạo cả thế giới.
Screw It, Let’s Do It: Lessons In Life: “Kệ cha nó, cứ làm đi: Những bài học trong cuộc sống” là cuốn sách với giọng văn dân dã tràn đầy những lời khuyên hữu ích đến từ nhà tỉ phú bất cần đời Richard Branson.
Bất kỳ một cuốn sách nào của Dr. Seuss, tác giả truyện trẻ em có thể nói là được yêu thích nhất ở Mỹ.
Một số trang web tiếng Anh dễ đọc:
Xkcd.com: Đây có thể nói là trang web truyện tranh yêu thích nhất của giới học thuật Mỹ. Đến văn phòng của giáo sư khoa nào ở Stanford hay ở Berkeley, mình đều thấy vài bản in truyện tranh từ trang này ra. Tác giả của trang web này là một kỹ sư, đã từng làm ở NASA. Anh có những trò đùa mang tính học thuật.
Theoatmeal.com: Toàn chuyện tán nhảm về cuộc sống nhưng hay ơi là hay. “How to Tell if Your Cat is Plotting to Kill You” – làm sao để biết con mèo của bạn đang lên kế hoạch thủ tiêu bạn — là một tác phẩm của chủ trang web này.
Nếu các bạn cần mình giới thiệu thêm sách thì cứ nói nhé. Mình cũng thường review các cuốn sách mình đọc trên goodreads. Chúc bạn đọc sách vui vẻ!
Theo Huyen Chip (Facebook: https://www.facebook.com/chipiscrazy/ )