Lý do tôi bị loại khỏi đợt phỏng vấn đầu năm 2016

32 Comments
Mới hôm qua tôi nhận được cuộc hẹn từ một chị phụ trách tuyển dụng tại một công ty (xin phép không nêu tên), mục đích để cho tôi biết lý do tại sao kể từ cuộc phỏng vấn hôm đó đến nay đã hơn một tháng mà chưa có hồi âm gì.
Thật ra tôi rất biết ơn cuộc gặp này, dù biết rằng tôi không có cơ hội làm việc tại công ty đó, kịch bản đó ít nhất trong hiện tại sẽ không xảy ra vì trong thời gian này tôi đã đầu quân theo lời mời cho một công ty khác rồi.
Tôi biết ơn vì không phải nhà tuyển dụng nào cũng tử tế như vậy.
Thường thì sau khi phỏng vấn xong, nếu bạn bị loại thì nhà tuyển dụng cũng… im re luôn. Chứ it ai gọi điện báo bạn, thậm chí hẹn gặp bạn để nói lý do. Cũng thông cảm cho họ thôi bởi vì nhiều ứng viên quá mà. Nhưng tâm trạng chờ đợi một ai đó không phản hồi đôi khi khiến ta cảm thấy… mông lung!
Trong cuộc nói chuyện thân tình, chị ấy cho tôi biết lý do tại sao tôi không được tuyển. Tôi chỉ lo mình không đủ khả năng, nhưng hóa ra không phải vậy. Chẳng qua vị trí mà tôi ứng tuyển thì người cũ trước đây thay đổi ý định, muốn ở lại công ty thay vì rời khỏi. Cho nên vị trí đó vẫn như cũ và vì vậy nên họ không mời tôi thế vào. Chỉ vậy thôi.
Cũng vì vậy tôi có cơ hội khác tốt hơn tại John&Partners, với công việc đúng sở trường hơn.
Nhân đây chia sẻ những bạn phỏng vấn mà sau đó báo kết quả không thành công thì cũng đừng thất vọng hay mất tự tin, có khi không phải lỗi ở bạn, mà do nhân sự công ty có sự thay đổi không biết trước mà thôi. Điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, chẳng liên quan gì đến việc bạn có đủ khả năng hay không, chỉ là khách quan mà thôi.
Tuy nhiên về phần mình, ít nhất bạn phải tự hoàn thiện mình để tận dụng mọi cơ hội để được mời phỏng vấn. Và một CV tốt chính là công cụ giúp bạn tăng tỉ lệ được mời đến phỏng vấn. Cho nên trong bài viết này tôi chia sẻ về 17 lỗi sai trong CV khiến bạn chưa được mời phỏng vấn (theo Dana Covit và Davis T. Nguyen):
1. Lỗi chính tả và ngữ pháp: Lỗi chính tả nếu chịu khó dò tìm sẽ thấy. Nhưng lỗi ngữ pháp là một lỗi tinh vi hơn vì đòi hỏi bạn phải rõ cách dùng động từ, trạng từ, bổ ngữ (kể cả tiếng Anh lẫn Việt), đòi hỏi một chút về vốn từ phong phú.
2. Không chịu tùy chỉnh CV cho tương thích với công việc sắp ứng tuyển: Sai lầm là cứ đơn giản lập một bản CV và gửi đi hàng loạt giống như “spam” các nhà tuyển dụng. Bạn để rằng tuy cùng ngành, cùng loại công việc nhưng mỗi công ty có yêu cầu khác nhau ở một vài điểm. Trước khi nộp thì cần xem job description và thông tin công ty trước đã và linh hoạt biến đổi CV cho phù hợp.
Điều nay hơi kỳ công một tý nhưng nếu chịu khó thì bạn sẽ được nhiều công ty săn đón hơn. Thà ít mà cái nào ra cái đó.
3. Tránh ghi chung chung về các thành tựu: Cố gắng đưa ra một mức đo lường nào đó để người đọc hiểu bạn đã làm được gì. Bí quyết ở đây là học cách sử dụng ngôn ngữ của những CV thành công. Nếu bạn cần thì tham khảo ngay chính LinkedIn Profile của tôi đây (Davis T. Nguyen) để xem cách tôi sử dụng ngôn ngữ mang tính đo lường được.
4. Ghi địa chỉ thường trú khác với khu vực (thành phố, tỉnh,…) của công ty: Điều này không cần cứng nhắc gì cả, tùy sự trải nghiệm của bạn mà từng trường hợp có nên ghi địa chỉ nhà trong CV hay không, trong tình huống bạn ứng tuyển công ty ở xa. Các bạn nào có kinh nghiệm cứ chia sẻ nhé.
5. Viết theo kiểu đoạn văn: Bạn cần chia nhỏ từng đoạn với các bullet points cho phù hợp với “style” đọc lướt của các chuyên viên tuyển dụng.
6. Đề cập hết tất cả công việc trước đây: Thật sự nếu bạn đã đi làm hơn 10 năm rồi thì không nhất thiết phải ghi lại công việc lúc mới ra trường của bạn đâu. Bạn chỉ đề cập những gì liên quan đến công việc sắp tới.
Lưu ý điều này nhé: Để tìm việc đúng với khả năng thì việc thấu hiểu bản thân là điều cần thiết rồi, không cần phải bàn. Ngoài ra bạn cần thấu hiểu nhà tuyển dụng nữa (sẽ có một bài tôi viết về mindset của nhà tuyển dụng và thực chất ai đang đọc CV của bạn).
7. Xem nhẹ cá tính và mối quan tâm của mình: Bạn có sự quan tâm đặc biệt nào đó trong cuộc sống cứ mạnh dạn đề cập trong CV.
8. Không để ý đến dàn trang: Lỗi sơ đẳng và thường gặp nhất! Font chữ, cỡ chữ không đồng nhất, không logic, cách dàn trang làm khó đọc, bố cục không rõ ràng.
9. Đề cập đến điểm số: Nếu bạn đã ra trường hoặc hoàn thành chứng chỉ nhiều năm rồi thì điểm số không còn là thước đo quan trọng, trừ khi điểm số trước đây của bạn thuộc loại ngoại hạng.
10. “Sáng tạo” quá mức: Liên quan đến hình thức, bao gồm hình ảnh, font chữ, trang trí làm cho CV của bạn quá khác biệt.
Như thế này nhé: có thể bạn nghĩ là nộp CV cho một công việc nào đó liên quan đến sáng tạo thì bạn cần một CV đột phá trong thiết kế. Có thật vậy không hay đó là lời quảng cáo từ các dịch vụ viết CV (mà họ cũng chẳng có trải nghiệm nhiều năm đi làm thực tế).
Tôi nhấn mạnh một lần nữa “Ai đọc CV của bạn?”, điều gì xảy ra nếu người đọc CV và có thẩm quyền đó không thích kiểu sáng tạo?
Vì vậy, nên sáng tạo một cách tinh tế. Có dịp cố vấn trực tiếp, tôi sẽ hướng dẫn bạn vì có nhiều điều không thể chia sẻ qua văn viết được.
11. Quên đề cập đến các profile online, cụ thể là LinkedIn. (sẽ có bài viết khác hướng dẫn kỹ năng viết LinkedIn).
12. PR bản thân quá mức: Thông tin về bạn hiện đã được Google, Facebook cập nhật hết rồi, nhà tuyển dụng có cách để “điều tra” bạn online.
Trường hợp bạn không xuất hiện trên online thì nhà tuyển dụng có cách nào biết bạn thật sự là ai không? Bạn cứ yên tâm là các chuyên viên tuyển dụng chuyên nghiệp đều được đào tạo nghiệp vụ bài bản hết cả, bao gồm luôn kỹ năng này. Thậm chí, các công ty có mạng lưới networking với nhau, thông tin bạn đã ở công ty nào, làm gì đều được lưu lại hết.
13. Không dùng động từ thể chủ động: Chẳng hạn thường các bạn hay mở đầu thế này trong các gạch đầu dòng, “Chịu trách nhiệm…”. Thay vì vậy, hãy dùng động từ chủ động, như “Giải quyết”, “Dẫn dắt”, “Đưa ra giải pháp…”,…
14. Viết theo ngôi thứ ba: Hãy chuyển về dùng ngôi thứ nhất để miêu tả chính mình.
15. Liệt kê tên các chức vụ trước đây không liên quan đến vị trí sắp tới: Tức là bạn muốn ứng tuyển vị trí giám đốc bán hàng mà có một công việc trước đây giữ chức vụ là giáo viên chẳng hạn. Bí quyết là thay vì chỉ ghi “giáo viên”, nên kèm thêm kế bên một vai trò liên quan nào đó đến yêu cầu công việc sắp tới. Thậm chí nếu không cách nào kết nối được chúng với nhau thì chấp nhận loại bỏ luôn công việc cũ trong CV.
16. Cố ghi hết mọi thành tựu trên CV: Bạn chỉ cần ghi những gì nổi bật và tạo điểm nhấn, sự tò mò. Có thể xem CV như trailer của một bộ phim hấp dẫn vậy. Bạn không thể kể hết cả câu chuyện trong CV. Hãy để dành những thông tin “nóng bỏng” nhất trong buổi phỏng vấn.
17. Không đề cập ý quan trọng trước tiên, mà cứ đề cập những tiểu tiết, liên quan đến cá nhân. Mới vào nên đề cập và định vị mình ngay với các kỹ năng, mô tả ngắn chuyên nghiệp về bản thân. Còn mục tiêu, ước mơ, sở thích gì đó của bạn hãy để sau.
— Nguồn: Davis T. Nguyen, MBA, CPSC, Ký giả của The Huffington Post




Leave us a comment

logged inYou must be to post a comment.