Tại Sao Bạn Không Thể Chi Tiêu Đúng Ngân Sách?
Có rất ít từ trong tiếng Anh có thể gợi lên cảm giác sợ hãi nhanh hơn từ “ngân sách”. Theo Gallup, hai phần ba số dân Mỹ thậm chí còn không nghĩ đến việc tạo ra một ngân sách như thế. Nó không chỉ đòi hỏi phải tính toán, chỉ như thế cũng đủ khó chịu rồi, mà còn cần đến cả sự quyết tâm. Để thực sự tiêu xài hợp lý, bạn cần động lực – và đôi khi bạn cần rất nhiều động lực. Các công cụ như “Bạn Cần Có Ngân sách” sẽ tập trung vào động lực này và giúp người dùng cảm thấy họ đang dần kiểm soát được tình hình tài chính của họ.
Nhưng vấn đề chính với ngân sách là phạm vi tiếp cận của nó, Brad Klontz, nhà tâm lý học và nhà hoạch định tài chính đã được chứng nhận. “Tôi nghĩ rằng toàn bộ khái niệm về việc lập ngân sách là một sai lầm,” Klontz nói. “Phần não điều khiển cảm xúc của bạn phản ứng với từ “ngân sách” như cách nó phản ứng với từ “ăn kiêng”. Hàm ý của nó là tước đoạt, đau khổ, đau đớn, trầm cảm.”
Theo như Klontz, từ ăn kiêng khiến chúng ta cảm thấy như có một nạn đói sắp ập tới. Chúng ta có thể tập hợp các động lực để giúp ta vượt qua nạn đói trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài, các nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn kiêng không thực sự hiệu quả. Là một nhà nghiên cứu và giáo sư, Traci Mann của Đại học Minnesota đã giải thích với tờ Washington Post, bạn bắt đầu nhìn thức ăn dưới một góc độ khác khi bạn đang ăn kiêng. “Khi ấy thức ăn lại trông ngon miệng và hấp dẫn hơn,” Mann nói trong bài báo. “Nên thứ bạn muốn cưỡng lại trở nên khó cưỡng hơn.” Theo Klontz, ngân sách cũng hoạt động tương tự, bởi vì, thay vì suy nghĩ về cái bạn muốn, bạn lại đang nghĩ về những gì bạn không thể có, cho dù đó là một vật dụng mới hay một tối đi chơi. Ngân sách ngụ ý sự khan hiếm, và bản năng của chúng ta để vượt qua sự khan hiếm đó theo cách tốt nhất mà chúng ta biết là: tiêu tiền.
Để chống lại điều này, ông gợi ý ta làm việc với suy nghĩ của mình, không phải chống lại nó. Thay vì tạo ngân sách, Klontz đề xuất lập nên một bản kế hoạch chi tiêu, điều mà ông cho là khác với ngân sách theo một số cách tế nhị nhưng quan trọng. Không giống như ngân sách, kế hoạch chi tiêu tập trung vào mục tiêu bạn muốn đạt được. Trước tiên bạn ngồi xuống và suy nghĩ về những điều mà bạn quý trọng và yêu thích nhất và cụ thể hóa những điều đó. Vì vậy, nếu bạn muốn đi nghỉ mát, mục tiêu của bạn sẽ là “Đi đến Barcelona vào năm 2018”. Klontz thậm chí còn gợi ý rằng bạn nên tạo hình ảnh cho mục tiêu của bạn. Bạn có thể thay đổi nền của máy tính để bàn sang cảnh quan tuyệt đẹp của Barcelona như một ví dụ. Một khi bạn đã có mục tiêu của mình trong tâm trí, hãy xây dựng một kế hoạch để tiết kiệm cho mục tiêu đó và tìm ra số tiền chính xác để bắt đầu. Hãy tìm cách tiêu xài hợp lý để đạt mục tiêu. Đúng vậy, trong quá trình thực hiện, một kế hoạch chi tiêu gần giống như ngân sách, Klontz nói. Cách tiếp cận mới là thứ khác biệt.
Cách tiếp cận đó rất quan trọng để có thể đạt được thành công, vì việc quản lý tiền bạc lại quá phụ thuộc vào hành động. Kế hoạch chi tiêu tập trung vào việc hỗ trợ mục tiêu của bạn, điều này cho thấy bạn có thể kiểm soát được tình hình tài chính của mình, và thậm chí chỉ một cảm giác kiểm soát nhỏ cũng có thể làm nên một động lực lớn. “Bạn sẽ thấy rất vui về những thứ bạn muốn chi tiền vào. Và rồi bạn sẽ muốn giảm bớt chi tiêu vào những thứ không quan trọng “, Klontz nói.
Soạn ra một ngân sách như một kế hoạch chi tiêu có thể tạo ra sự khác biệt, nhưng cơ chế vẫn có thể trở nên phức tạp. Chúng tôi đã hỏi Klontz để biết thêm chi tiết.
Giả sử bạn chi tiêu quá mức
Quản lý tiền bạc cũng có thể là thử thách vì chúng ta có xu hướng cho rằng chúng ta không tiêu tiền nhiều. Một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu người tiêu dùng đã yêu cầu các đối tượng ước tính chi tiêu của họ trong tháng tới hoặc trong một năm. Thật thú vị là, khá nhiều người ước tính số tiền tiêu trong tháng tiếp theo sai lệch, trong khi đó đối tượng dự đoán chi tiêu của họ trong năm lại chính xác hơn.
Bạn sẽ nghĩ rằng ước tính những khoản tiền cần chi ngay sẽ dễ dàng hơn, nhưng các đối tượng thường không chắc chắn về ước tính của họ cho cả năm, điều này đã dẫn tới hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là “sự điều chỉnh theo cảm tính.” Nói cách khác, khi con người không chắc chắn về khả năng ước lượng cho cả năm, họ đã tăng thêm một số chi tiêu để bù đắp cho phần không chắc chắn, nên đã ước tính được một khoản chi tiêu thực tế hơn. Điểm mấu chốt? Lần tới khi bạn có ngân sách, đừng chi tiêu quá nhiều.
“Rất nhiều người tiêu tiền trong vô thức,” Klontz nói. “Hầu hết chúng ta đều không biết mình đã tiêu tốn bao nhiêu tiền, vì vậy trước khi bạn bắt đầu tiêu xài tiền của mình, bạn cần phải biết nó được xài cho những gì.”
Ngoài việc theo dõi chi tiêu thường xuyên, tiền mặt là một cách dễ dàng để biết được chính xác tiền của bạn sẽ đi đâu. Hầu hết chúng ta mua đồ dùng bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, làm cho việc đánh giá chi tiêu dễ bị xem nhẹ hơn rất nhiều. Một nghiên cứu của MIT cho thấy các đối tượng sẵn sàng chi 64% nhiều hơn cho một đôi vé xem bóng rổ khi thanh toán bằng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. Tiền mặt làm cho việc mua hàng trở nên hữu hình hơn, buộc bạn phải suy nghĩ lần hai về chi tiêu của bản thân.
Thật khó sử dụng tiền mặt cho một số mặt hàng, nhưng nó đặc biệt hữu ích với vấn đề chi tiêu ở một số lĩnh vực nhất định. “Nếu bạn đi đổ xăng, sử dụng tiền mặt sẽ ít có giá trị hơn bởi vì mọi người thường không có vấn đề trong việc kiểm soát chi tiêu của họ với một việc như thế”, Klontz nói. “Nhưng với những chi phí ngẫu hứng, như quà tặng cho các ngày lễ, sử dụng tiền mặt có thể sẽ rất hữu ích.”
Hãy liên kết bản thân trong tương lai với bản thân của hiện tại
Mấu chốt là, lập ngân sách đảm bảo rằng bạn điều chỉnh chi tiêu trong hiện tại để bạn có đủ tiền sử dụng cho tương lai. Vấn đề là, hầu hết chúng ta thường khó có thể liên kết tương lai với hiện tại. Chúng ta nhìn nhận tương lai của mình như một “người lạ”, và thật khó để tiết kiệm tiền cho người lạ. Các nhà nghiên cứu từ Đại học New York phát hiện ra rằng khi các đối tượng biết rõ hơn về “bản thân tương lai” của họ, họ sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Họ tách các đối tượng nghiên cứu thành hai nhóm. Họ cho nhóm được kiểm soát (control group) thấy một tấm hình bình thường của bản thân họ và nhóm kia là tấm hình đã được thay đổi thành bản thân họ ở tuổi 70. Điều kì lạ là các đối tượng trong nhóm “tương lai” tiết kiệm được gấp đôi số tiền để nghỉ hưu.
Bài học ở đây không hẳn là chỉ tập trung vào tương lai. Nó là việc đưa tương lai vào hiện tại, theo ông Klontz, và trong chính nghiên cứu của ông, hiện đang được xem xét, ông nhận thấy rằng mọi người cũng tiết kiệm được nhiều hơn chỉ bằng cách ngồi xuống và suy nghĩ về thời gian nghỉ hưu lý tưởng của họ. Khi các đối tượng có thể hình dung ra tương lai, họ có khả năng thu hẹp khoảng cách và bám sát việc chi tiêu và số tiền tiết kiệm của họ hơn.
Ngoài ra, một số người có ý niệm tiêu cực về chuyện nghỉ hưu, vì thế mà việc tiết kiệm cũng trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn nghĩ rằng nghỉ hưu đồng nghĩa với việc ở nhà cả ngày và xem chương trình chiếu lại “Maury”, bạn có thể sẽ không có động lực để tiết kiệm cho lối sống đó. Tuy nhiên, nếu bạn có thể nhắm đến cụ thể những gì bạn muốn thực hiện khi nghỉ hưu và hình dung những hoạt động và trải nghiệm ấy, đó là một bước nhảy vọt để rút ngắn khoảng cách, Klontz nói. “Về cơ bản bạn tạo ra một bức tranh tuyệt vời về kì nghỉ hưu của mình và làm những gì bạn thực sự say mê. Bạn tiết kiệm được nhiều hơn khi bạn làm theo điều này. Trong nghiên cứu của chúng tôi, mọi người đang tiết kiệm được gấp đôi số tiền dự tính ban đầu. ”
Chia nhỏ mục tiêu lớn thành những cái nhỏ hơn
Cuối cùng, ngay cả khi bạn đã có một ý tưởng rõ ràng về những gì bạn muốn trong tương lai, nó vẫn khó để thực hiện mục tiêu của bạn về lâu dài. Vào lúc cuối, bạn sẽ không còn nhiều động lực và bạn sẽ bị cám dỗđể chi tiền cho một thứ gì đó có thể mua ngay lập tức, giống như một bữa ăn ngon hoặc một đôi giày mới. Bạn nghĩ rằng mình sẽ bù đắp cho số tiền đã tiêu ấy trong tương lai.
Để thoát khỏi dòng suy nghĩ này, trước hết hãy chia mục tiêu tiết kiệm của bạn thành từng phần nhỏ hơn. Tiết kiệm một triệu đô la để nghỉ hưu nghe có vẻ như một giấc mơ viển vông đối với hầu hết chúng ta. Tiết kiệm được 400 đô la một tháng, dù làm thế cũng khiến ta nản chí, vẫn dễ thực hiện hơn.
Một lần nữa, đó là việc thu ngắn khoảng cách giữa hiện tại và tương lai, vì vậy việc chia nhỏ một mục tiêu lớn theo cách này làm nó mang tính hiện tại và có thể thực hiện được. Nó giống như mang “con người tương lai” của bạn vào hiện tại. Nghiên cứu cũng cho thấy bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn nếu bạn nghĩ theo cách này. Một nghiên cứu năm 2014 đã sử dụng hai cách tiếp cận khác nhau để giúp mọi người tiết kiệm. Một số đối tượng được yêu cầu tiết kiệm theo một quy trình nhất định, và tách biệt hoàn toàn tương lai khỏi quá khứ hoặc hiện tại. Những người tham gia này được hướng dẫn như sau:
Cách tiếp cận này thừa nhận cuộc sống của một người được tạo thành từ những khoảng thời gian riêng biệt và cấp tiến, như quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng tôi muốn bạn nghĩ về nhiệm vụ tiết kiệm cá nhân của bản thân giống như một phần của quy trình tuyến tính như trên. Hãy lập một bản kế hoạch chi tiêu: chỉ cần tập trung vào tổng số tiền tiết kiệm mà bạn dự định dùng cho tương lai…
Những người khác lại được yêu cầu suy nghĩ theo chu kỳ, và tưởng tượng rằng tương lai sẽ giống với hiện tại. Các đối tượng trong nhóm này được hướng dẫn như sau:
Tương lai sẽ giống hệt như hiện tại: nếu bạn tiết kiệm tiền bây giờ, bạn sẽ tiết kiệm được trong kỳ trả lương tiếp theo. Nếu bạn không tiết kiệm tiền trong kỳ trả lương hiện tại, bạn có thể sẽ không tiết kiệm tiền trong lần tiếp theo. Chúng tôi muốn bạn tập trung vào các khoản tiết kiệm cá nhân của bản thân trong hiện tại, và chỉ có thế. Hơn nữa, vào cuối ngày, bạn có thể xem lại số tiền mình đã tiết kiệm được.
Trong tất cả các nghiên cứu của họ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người trong nhóm chu kỳ tiết kiệm được 78% so với những người được hướng dẫn để suy nghĩ về tương lai theo cách tuyến tính. Nghiên cứu cho thấy rằng tập trung vào quá trình thay vì mục tiêu cuối cùng sẽ hiệu quả hơn khi nói đến tiết kiệm. Đáng kinh ngạc hơn, ngay cả một sự thay đổi tư duy nhỏ bé như thế này cũng có thể làm nên sự khác biệt to lớn khi quản lý tiền bạc.
Link: The Annoying Psychology of Why You Can’t Stick to a Budget
Theo whypsy.com (Ybox dịch)
-
-
-
TUYỂN GIÁO VIÊN/SINH VIÊN TRỢ GIẢNG PARTTIME – Môn: Stem, Kỹ Năng Sống, Tư duy toán, Anh Văn
80.000-100.000 đ/ tiết 45' Nhiều Quận, Hồ Chí MinhFull Time Part Time -
-
-
-
30k-35k/giờ - Tết x3 x2 - Bao ăn/ca Bình Thạnh, Hồ Chí MinhFull Time Part Time Thời vụ Việc làm Tết
-
-
-
-
-
-
30.000đ/Giờ Nhiều Quận, Hồ Chí MinhPart Time
-